Chuyện ngôn ngữ nơi xứ người

Geneva không phải nơi tốt nhất để học tiếng Pháp đâu, tôi vẫn thường than vãn như vậy với bạn bè. Hoặc là, với riêng tôi, thật ra Geneva lại là nơi tốt nhất để học đủ mọi loại ngôn ngữ, trong đó bao gồm cả tiếng Pháp – thứ tiếng vốn được xác định là ngôn ngữ hành chính/chính thức của Canton Geneva. Nghe hai câu trên có vẻ cực kỳ mâu thuẫn, nhưng thực tế lại thế hiện cái tính chất “quốc tế hóa” không thể tách rời của thành phố này.

Là nơi đặt trụ sở và nơi hội họp của nhiều cơ quan tổ chức quốc tế lớn (Liên Hợp Quốc, ILO, ITU, WIPO, WTO, Chữ Thập Đỏ,…), các tổ chức phi chính phủ quốc tế cũng như nhiều tập đoàn lớn chi nhánh Tây Âu (chẳng hạn như P&G hay Nestle), 50% cư dân ở đây là người nước ngoài. Ngồi trên xe buýt, tàu điện hay đi dạo trên phố, bạn có thể lắng nghe đủ mọi loại ngôn ngữ, từ những ngôn ngữ phổ biến nhất của thành phố này là tiếng Pháp và tiếng Anh, cho đến tiếng Nhật, tiếng Swahili hay tiếng Thái…

Một vài ngôn ngữ rất phổ biến khác mà bạn có thể sử dụng khi đi chợ hay tại các cửa hàng… đó là tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý và tiếng Đức. Những ngày đầu ở Geneva, khi mà vốn tiếng Pháp của tôi cực kỳ hạn hẹp, mỗi khi đến các chợ ngoài trời (flea market – chợ đồ cũ, food and wine market – chợ đồ ăn vặt, farmers’ market – chợ nguyên liệu tươi) tôi đều dùng tiếng Tây Ban Nha để… đỡ phải nói tiếng Pháp. Đặc biệt là farmers’ market, phần lớn những người bán hàng ở đây đều đến từ các nước lân cận, các loại rau quả, đồ ăn sẵn,… đa phần đều là xuất xứ Ý hoặc Tây Ban Nha. Có lần, ghé vào mua burritos (bánh cuốn đậu và thịt) cho cậu bạn đi công tác tiện thể đi chơi, tôi đã được tặng thêm churros (bánh bột rán với đường) miễn phí nhờ nói tiếng Tây Ban Nha đấy.

Tiếng Ý và tiếng Đức cũng phổ biến gần bằng tiếng TBN về mức độ sử dụng, song lại có vị trí rất khác ở mức độ hành chính nơi đây. Điểm khác biệt quan trọng đó là hai thứ tiếng này cũng được công nhận như ngôn ngữ chính thức của Thụy Sĩ. Bạn sẽ thấy khá buồn cười khi thường xuyên bắt gặp những nhãn hàng trong siêu thị, những chỉ dẫn cơ bản, những ký hiệu trên đồng tiền,… được thể hiện bằng bốn ngôn ngữ hành chính (Đức, Pháp, Ý và Romansh). Và cũng bởi tiếng Anh cũng là một thứ tiếng khá phổ biến, trong nhiều trường hợp thậm chí số lượng ngôn ngữ trên một bao bì còn có thể là 5. Nhiều người hẳn sẽ thắc mắc rằng người ta thiết kế phông chữ kiểu gì nhỉ,  nhưng mà “vẫn được đấy!” Tất nhiên, đa phần các trường hợp vẫn chỉ có ba thứ tiếng thông dụng nhất là Đức, Pháp và Ý thôi.IMG_4697[1]

Tiếng Anh ở Geneva nói riêng, ở Thụy Sĩ nói chung hay ở một vài nước có nhiều ngôn ngữ chính thức là một trường hợp khá thú vị. Khi có nhiều loại ngôn ngữ vây quanh, thêm nữa, nếu là nơi thu hút khách du lich, nơi tập trung nhân sự quốc tế,… thì tiếng Anh tự nhiên lại trở thanh ngôn ngữ được coi trọng (preferable.) Nếu bạn ra đường mà không nói được tiếng Pháp hoặc nói tiếng Pháp quá tồi, cũng chẳng sao, mọi người sẽ nói tiếng Anh với bạn. Điều này phần nào giải thích tại sao ban đầu tôi lại không chịu học tiếng Pháp một cách nghiêm túc. Thứ nhất, ở trường tôi học mọi thứ qua tiếng Anh (trường tôi khá mang phong cách Mỹ), các giáo sư phần nhiều là người Mỹ hay được đào tạo tại Anh hay Mỹ trong nhiều năm, địa thế của trường lại nằm trong khu vực “quốc tế” (the international Geneva) bên cạnh Liên Hợp Quốc và các cơ quan, việc sử dụng tiếng Pháp thường là không bắt buộc. Khi đi học ở nhà thờ, tôi đã gặp những người sinh sống ở đây hàng chục năm trời mà không thể giao tiếp bằng tiếng Pháp dù chỉ một câu (tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ hoặc ngôn ngữ chính của họ.) Thứ hai, tôi đã từng phủ nhận ý định học tiếng Pháp, cho rằng nó không cần thiết, quá khó học và bản thân tôi đã rất bận rộn với việc học hành. Nhưng sau này, ở châu Âu lâu hơn, tôi nhận thấy rằng việc sử dụng được càng nhiều ngôn ngữ lại mang lại càng nhiều cơ hội, cũng như có thêm nhiều bạn bè. Vậy là cuối tháng tư năm ngoái, sau khi trở về từ Brussels (thủ đô “hai thứ tiếng” của Bỉ và cũng được coi là thủ phủ của Liên minh Châu Âu), tôi quyết định học tiếng Pháp. Cơ mà quyết định như vậy chứ cũng chưa làm được ngay. Tháng sáu năm 2014 khi quay lại Geneva làm việc, đúng một tháng trước chuyến du lịch Nam Pháp, tôi mới bắt đầu tự học. Kết quả là, chuyến đi ấy, mang tiếng đi cùng một đoàn từ Brussels, tôi lại là người duy nhất biết tiếng Pháp – bao nhiêu vốn liếng ít ỏi cũng phải mang ra dùng. Khi ở trang trại hoa oải hương tại Provence, lần đầu tiên tôi đã dịch được những cuộc trò chuyện, trao đổi giữa bác chủ trang trại và anh bạn tôi theo hai chiều Pháp – Anh, Anh – Pháp và đôi khi là Pháp – Việt. Ra khỏi trang trại rồi, bác chủ còn chạy theo tặng tôi bó hoa oải hương rất thơm, rất đẹp cùng với lời cám ơn nồng nhiệt. Tự dưng tôi thấy vui vui và thấy rằng hình như không phải là không thể học nổi tiếng Pháp dù đã 24 tuổi.

Quay lại chuyện ngôn ngữ ở Geneva, suốt tám tháng qua dù công việc học hành vô cùng bận rộn, tôi vẫn dành chút thời gian cho tiếng Pháp, tiếng Nhật và tiếng Tây Ban Nha. Bạn hẳn sẽ thấy cực kỳ ngạc nhiên với số lượng những khóa học tiếng sẵn có ở thành phố này. Chi phí để học mọi thứ tiếng đều khá đắt nên tôi thường tranh thủ tham gia các khóa tôi có thể học miễn phí (do là sinh viên được học bổng) hay các khóa của ĐH Geneva (mà tôi cũng được coi là sinh viên của trường này.) Bây giờ tôi đã có thể ra đường tự tin đi mua sắm, đến văn phòng thuế hỏi giấy tờ, trao đổi với dược sỹ, viết một vài cái email hay postcard bằng tiếng Pháp mà chẳng phải cầu viện đến tiếng Anh. Việc trò chuyện hàng ngày vẫn còn là một thứ thách đối với tôi, khi mà nó đòi hỏi nhiều cách diễn đạt khác nhau, chủ đề bao giờ cũng liên tục thay đổi và cực kỳ khó dự đoán. Nhưng tôi nghĩ, nếu tôi cố gắng luyện tập thì một thời gian nữa sẽ ổn thôi! Tôi cũng đang theo học chương trình cử nhân tiếng Nhật ở ĐH Geneva (học nhưng không lấy bằng :D). Điểm thú vị nhất đó là tôi phải học qua tiếng Pháp (giải thích ngữ pháp, từ vựng, dịch ngược dịch xuôi,…) Nhiều lúc tôi cũng chẳng biết thực ra mình đang học thứ tiếng nào trong hai tiếng trên, nhưng đây đúng là một trải nghiệm hết sức đặc biệt.

IMG_4730[1]

Ở Geneva, sử dụng ngôn ngữ nào là lựa chọn của bạn. Bạn có thể không nói tiếng Pháp, không sao cả, bạn sẽ vẫn sống nhăn. Với tôi, nói thêm một thứ tiếng, là học thêm được rất nhiều đều khác nhau, một cách tư duy mới, một nền văn hóa mới và biết cách trân trọng, nâng niu sự khác biệt giữa người với người. Âu cũng là một kinh nghiệm sống đáng quý! 🙂

One thought on “Chuyện ngôn ngữ nơi xứ người

Add yours

Leave a comment

Website Powered by WordPress.com.

Up ↑